Susan Fletcher ngồi trước máy ở Node 3. Node 3 là một phòng kín, cách âm, khuất sau tầng một, nơi các nhân viên mật mã làm việc. Một lớp kính dày hai inch với một mặt cong cho phép các nhân viên mật mã có được bức tranh toàn cảnh đại sảng trung tâm Crypto, đồng thời ngăn không cho ai nhìn từ ngoài vào trong phòng.
Ở phía cuối Node 3 đặt mười hai chiếc máy vi tính được đặt quây thành hình tròn. Mục đích là để khuyến khích các nhân viên mật mã trao đối ý kiến, và để nhắc rằng họ là một phần của một êkíp lớn, giống như là các hiệp sĩ giải mã ngồi Bàn Tròn.
Vậy mà, mỉa mai thay, ngay trong Node3 vẫn có những điều được coi là bí mật.
Được mệnh danh là cái cũi. Node 3 không giống với tất cả các phòng khác của Crypto, được thiết kế để đem lại cảm giác khoan khoái giống như ở nhà, những chiếc thảm trải nhà sang trọng, hệ thống âm thanh công nghệ cao, chiếc tủ lạnh chất đầy đồ ăn, thức uống, một gian bếp nhỏ, sân bóng rổ Nerf. Lãnh đạo NSA am hiểu rất tường tận về Crypto, đừng có bao giờ đổ vài tỷ đô la vào một chiếc máy vi tính giải mã nếu không dụ được những người thông minh nhất trong những người thông minh theo dõi và sử dụng nó.
Nhón chân trên đôi giày Salvatore Ferragamo đế bằng, Susan rón rén đặt chân lên những tấm thảm dày cộp để bước ra ngoài.
Nhưng viên chức nhà nước được hưởng lương cao đều được khuyến khích không nên khoa trương sự giàu có của mình. Điều này chẳng bao giờ làm Susan phải bận tâm. Cô luôn cảm thấy hài lòng với căn hộ nhỏ bé, chiếc ô tô hiệu Volvo và chiếc tủ quần áo khiêm nhường. Nhưng giày dép lại là một vấn đề khác. Thậm chí hồi còn là sinh viên, cô sẵn sàng mua những đôi đắt nhất chỉ đơn giản chỉ vì cô thích chúng.
Chân đau thì chẳng thế mơ leo lên được đến trời, dì cô đã từng nói thế. Và một khi đã đến được nơi cần đễn, chúng ta thực sự được mãn nguyện.
Susan cho phép mình nghỉ một lúc rồi lại lao vào công việc. Cô tìm phần mềm dò tìm và chuẩn bị định dạng nó, mắt liếc nhìn địa chỉ e-mail mà Strathmore đã đưa.
NDAKOTA@ARA.ANON.ORG
Người đàn ông tự xưng là North Dakota có một địa chỉ thư điện tử nặc danh, nhưng Susan chắc chắn nó sẽ nhanh chóng không còn là nặc danh nữa. Phần mềm dò tìm sẽ xâm nhập vào ARA, gửi đến North Dakota, rồi sau đó sẽ gửi lại những thông tin liên quan đến địa chỉ Internet thật của anh ta.
Nếu như mọi thứ suôn sẻ, phần mềm sẽ nhanh chóng xác định được vị trí của North Dakota, và Strathmore sẽ có thể lấy được chìa khoá giải mã. Khi David tìm ra phiên bản của Tankado thì cả hai chiếc chìa khoá có thể sẽ đều bị phá huỷ, quả bom hẹn giờ của Tankado sẽ trở nên vô dụng như một khối thuốc nổ không có ngòi.
Susan kiểm tra hai lần địa chỉ hiện ra trước mặt cô và nhập thông tin vào phần kiểm tra dữ liệu đúng. Cô thích thú cười thầm khi thấy Strathmore không thể tự gửi phần mềm dò tìm này được.
Rõ ràng là ông ta đã gửi đi hai lần, nhưng cả hai lần đều nhận được địa chỉ e-mail của Tankado chứ không phải của North Dakota. Đó là một sai lầm rất dễ hiểu; có thể Strathmore đã thay đổi trường dữ liệu, vì vậy phần mềm dò tìm đã tìm không đúng account cần tìm.
Susan nhập xong thông tin một lát thì chiếc máy vi tính kêu lên một tiếng bíp.
PHẦN MÊM DÒ TÌM ĐÃ ĐƯỢC GỬI.
Bây giờ thì chỉ việc ngồi chờ.
Susan bỗng nhiên thở dài, cô thấy có lỗi vì đã phản ứng quá mạnh đối với chỉ huy của mình. Nếu có một ai đó đủ năng lực để một mình giải quyết vấn đề, thì người đó không thể là ai khác ngoài Trevor Strathmore. Ông thực sự là một thiên tài trong việc thu phục những người thách thức mình.
Sáu tháng trước, khi EFF khui ra vụ một tàu ngầm mà NSA dùng để cài máy nghe trộm vào hệ thống đường dây điện thoại dưới nước, Strathmore đã khôn ngoan tung thông tin rằng chiếc tàu ngầm đó thực ra đang chở chất thải độc hại phi pháp. Ngay lập tức, EFF và các nhà bảo vệ đại dương đã mất nhiều thời gian tranh luận xem thông tin nào là đúng đến nỗi cuối cùng các phương tiện thông tin đại chúng trở nên mệt mỏi và bỏ qua toàn bộ vụ việc. Trước bất kỳ hành động nào, Strathmore đều lên kế hoạch kĩ lưỡng, tỉ mỉ.
Cũng giống những nhân viên khác của NSA, Strathmore đã sử dụng một phần mềm do NSA xây dựng, được gọi là BrainStorm, một phần mềm chương trình máy tính có khả năng nêu ra tất cả các khả năng diễn biến của sự việc nhằm bảo mật sự tồn tại của TRASTLR.
BrainStorm là tên một thử nghiệm tình báo nhân tạo mà các tác giả của nó đã dựa trên nguyên lý nhân quả. Lúc đầu nó được chế tạo để phục vụ cho các cuộc vận động chính trị như là một phương pháp tạo ra các mô hình xử lý thông tin trong "một môi trường chính trị cụ thể". Được nạp một khối lượng dữ liệu khổng lồ, chương trình này đã tạo ra một môi trường ảo, một mô hình giả thuyết về sự tương tác giữa các biến cố chính trị, bao gồm các nhân vật chính trị lỗi lạc, nhân viên của họ, những mối quan hệ cá nhân với nhau, những vấn đề nóng bỏng, những động cơ cá nhân được tính toán dựa trên những tiêu chí khác nhau như giới tính, tính cách, sắc tộc, tiền bạc và quyền lực. Sau đó, người sử dụng có thể nhập một sự kiện mang tính giả thuyết vào và BrainStorm sẽ dự đoán những ảnh hưởng của sự kiện đó đối với môi trường này.
Là một thiết bị TFM (Time-Line, Flowchart, Mapping), nó là một công cụ hữu ích để vạch ra những chiễn lược phức tạp và dự đoán những điểm yếu của chiến lược đó. Và đó chính là lý do tại sao chỉ huy Strathmore thường xuyên sử dụng BrainStorm. Susan cho rằng bên trong máy tính của Strathmore có thể có những kế hoạch có khả năng làm biến đổi cả thế giới.
Mình đã không phải với ông ấy, Susan tự nhủ.
Tiếng mở cửa Node 3 làm cô giật mình.
Strathmore thình lình xuất hiện.
- Susan! David vừa gọi điện về. Đã có một manh mối.
HẾT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét